(Dân trí) – Chồng tôi luôn hào phóng với nhà nội nhưng không bao giờ nghĩ đến ba mẹ tôi.

Tôi cưới anh khi vừa tròn 25 tuổi, tuổi đẹp nhất để bắt đầu một cuộc sống mới. Chúng tôi gặp nhau trong xưởng sản xuất giày xuất khẩu ở Bình Dương. Chúng tôi cùng chung ca tối, cùng làm tới khuya, và cùng ước mơ có một mái ấm bình dị.

Anh là con trai thứ hai trong gia đình đông con ở Tiền Giang. Mẹ anh mất sớm, ba anh tái hôn. Người mẹ kế vô tâm nên mọi trách nhiệm trong nhà đều đổ dồn lên vai anh – đứa con trai biết nghĩ nhất nhà – như ba anh hay nói.

Còn tôi là chị cả trong gia đình nghèo ở miền biển Ninh Thuận. Ba mẹ tôi sống bằng nghề làm muối, quanh năm phơi mặt dưới nắng, tay chân nứt nẻ vì nước mặn.

Cái nghèo ăn mòn da thịt nhưng tình cảm gia đình tôi chưa bao giờ thiếu. Mỗi lần về quê, mẹ vẫn ráng giấu tôi nỗi mệt nhọc bằng mấy câu nói đùa, ba thì lặng lẽ nhét vào balo của tôi mấy ký khô cá biển, bảo mang lên ăn dần.

Mỗi lần bạn thân của chồng đến nhà chơi, tôi lại cảm thấy áp lực nặng nề -  Góc tâm tình - Việt Giải Trí

Ngày cưới, hai bên không ai giúp được gì nhiều. Chúng tôi phải vay mượn để tổ chức một bữa cỗ đơn giản. Tôi nói với anh: “Cưới rồi mình cố gắng làm ăn, lo cho hai bên nội ngoại như nhau. Bố mẹ ai cũng là người sinh ra mình”.

Anh gật đầu, nắm tay tôi. Lúc đó, tôi tin thật. Nhưng sau khi cưới chưa được bao lâu, tôi nhận ra có những lời hứa chỉ nói cho yên lòng nhau.

Lương hai đứa cộng lại chỉ khoảng 18 triệu đồng. Sau khi trừ tiền trọ, điện nước, ăn uống, còn lại 10 triệu đồng.

Nhưng tháng nào, chồng tôi cũng gửi 4 triệu đồng về cho nhà anh, số còn lại anh để dành tích lũy. Tôi hỏi nhẹ nhàng: “Mình gửi cho ba mẹ em một chút được không, nhà cũng đang lo tiền chữa bệnh cho ba mà”.

Anh thở dài: “Bên nội giờ nhiều chuyện phải lo hơn. Em là con gái, lấy chồng thì theo chồng, em hiểu mà”.

Tôi không biết từ lúc nào, theo chồng lại có nghĩa là cắt đứt trách nhiệm với mẹ cha sinh dưỡng mình.

Tôi không dám trách anh, chỉ biết lẳng lặng gói ghém, trích ra vài trăm nghìn từ tiền chợ hàng tháng gửi về quê. Có tháng, tôi còn phải vay mượn bạn bè để gửi về quê khi gia đình có việc đột xuất.

Khi em trai tôi ốm phải nhập viện, tôi lén bán chiếc nhẫn cưới để gửi tiền về. Chồng phát hiện, giận dữ đập bàn: “Sao em dám bán kỷ vật hôn nhân đi? Em có nghĩ gì cho chồng không?”.

Tôi cắn môi, không nói gì. Nhưng đêm đó, tôi mất ngủ. Tôi nghĩ mãi về câu nói của anh. Dù chúng tôi có một khoản tiền tiết kiệm, nhất định anh không chịu bỏ ra nên tôi đành phải làm vậy.

Có lần, tôi đề nghị: “Hay từ giờ mình tính toán, gửi về quê nội ngoại sao cho hợp lý. Nhà nào cũng cần, đâu thể chỉ một bên”. Anh gắt lên: “Bên ngoại có em trai em lo. Anh là con trai, anh phải lo cho nhà anh”.

Tôi lặng người.

Đỉnh điểm là dịp Tết vừa rồi, mẹ tôi gọi lên, hỏi nhỏ: “Con có gửi được cho mẹ ít tiền mua thuốc cho ba không, gần đây ba ho nhiều lắm”.

Tôi nghe mà ứa nước mắt. Nhưng trong tài khoản chỉ còn 800.000 đồng, tiền lương hai vợ chồng mới nhận, chồng đã gửi hết về quê anh để chuẩn bị Tết.

Tôi nói với anh, giọng run run: “Ba em bệnh nặng, anh cho em xin một triệu đồng gửi về”. Chồng tôi đứng dậy bỏ đi, nói vọng lại: “Lấy chồng rồi, đừng mơ lo nhà ngoại”

Tôi không biết nói sao với ba mẹ, chỉ biết nhắn một câu ngắn ngủi: “Vâng, để con tính xem sao”.

Tôi đã chịu đựng suốt mấy năm như vậy. Tôi yêu anh, từng rất yêu. Nhưng tình yêu không thể là cái cớ để ai đó mặc định một người phụ nữ sống cả đời vì nhà chồng, quên mất mình cũng từng là một đứa con gái của cha mẹ.

Tôi vừa chuyển khoản 5 triệu đồng để mẹ mua thuốc cho ba. Đó là tiền tôi dành dụm suốt 3 tháng, từ từng đồng lẻ chắt chiu. Tôi biết, mình sẽ còn phải đấu tranh, còn phải mạnh mẽ. Nhưng ít ra hôm nay, tôi đã làm được điều mà tôi thấy là đúng.

Nếu chồng tôi vẫn giữ thái độ sống như vậy, tôi sẽ yêu cầu lương của ai, người đó tiêu. Bên ngoại cũng là gia đình, đâu phải chỉ có nhà nội mới cần được báo hiếu.