Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải xe máy, kết hợp các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích người dân chuyển sang phương tiện thân thiện với môi trường.

Việc kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang được xây dựng như một phần trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo Cục Môi trường (Bộ NN&MT), đây là một trong những mục tiêu ưu tiên trong bối cảnh số lượng xe máy cũ kỹ, phát thải cao vẫn lưu hành phổ biến tại nhiều thành phố.

Xe cũ phát thải lớn, khó kiểm soát

Việt Nam hiện có khoảng 77 triệu xe máy, bao gồm tỷ lệ lớn là xe cũ, sử dụng công nghệ động cơ đốt trong lạc hậu, không còn đảm bảo tiêu chuẩn phát thải. Trong khi đó, chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) bắt buộc áp dụng đối với khí thải xe máy đang lưu hành.

Tiêu chuẩn hiện hành TCVN 6438:2018 chỉ mang tính tự nguyện. Việc thiếu quy chuẩn bắt buộc khiến cơ quan chức năng gặp khó trong việc loại bỏ xe cũ, giảm phát thải từ phương tiện giao thông – một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM. xe máy 2.jpgXe máy cũ phát thải lượng lớn khí độc hại như CO, NOx, bụi mịn. Ảnh: Vũ Điệp.
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, ô nhiễm không khí tại nhiều đô thị lớn ở Việt Nam đang ở mức báo động, tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Khói bụi từ phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cũ kỹ, lạc hậu, là một trong những nguồn phát thải lớn nhất gây ra tình trạng này.

Tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM, mỗi gia đình sở hữu ít nhất một đến hai xe máy. Phần lớn trong số này là phương tiện cũ, sử dụng công nghệ đốt trong đã lỗi thời, phát thải lượng lớn khí độc hại như CO, NOx, bụi mịn.

Bộ Y tế cho biết tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, thần kinh và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Đề xuất lộ trình áp dụng kiểm định khí thải

Để kiểm soát khí thải mô tô, xe máy, Bộ NN&MT đang xâu dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Việt Nam. lô trình kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy .jpeg Theo dự thảo, lộ trình kiểm định khí thải sẽ thí điểm tại Hà Nội và TPHCM, sau đó nhân rộng ra toàn quốc. Phương tiện sẽ được phân loại theo năm sản xuất để áp dụng các mức khí thải khác nhau.

Đối với xe mô tô được quy định như sau: Trước 2008 mức 1; từ 2008–2016 mức 2; từ 2017–6/2026 mức 3; Sau 7/2026 mức 4.

Với xe gắn máy: Trước 2016 mức 1; từ 2017–6/2027 mức 2; sau 7/2027 phải áp dụng mức 4.

Từ ngày 1/1/2032, tất cả xe mô tô và xe gắn máy lưu hành tại Hà Nội, TPHCM bắt buộc phải đạt từ mức khí thải 2 trở lên. Đồng thời, các xe đi vào vùng phát thải thấp cũng sẽ phải đáp ứng quy chuẩn riêng theo quy định của chính quyền địa phương.

Cùng với việc triển khai kiểm định khí thải, Bộ NN&MT đề xuất các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi phương tiện, bao gồm: Hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới; Miễn, giảm phí đăng kiểm cho xe đạt tiêu chuẩn; Khuyến khích chuyển sang xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sạch; Tăng cường truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật để người dân tiếp cận và tuân thủ lộ trình mới.

Các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người dân, đồng thời khuyến khích chuyển đổi dần dần sang phương tiện sạch hơn.

Cần khung pháp lý đồng bộ

Mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam chủ yếu chỉ phải đáp ứng Mức 1, Mức 2 theo TCVN 6438:2018, thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn áp dụng ở các nước trong khu vực và quốc tế. Thực tế cũng chỉ có quy định loại bỏ xe tự chế, niên hạn sử dụng đối với ô tô, chưa có cơ chế loại bỏ dần các xe mô tô, xe máy cũ nát, lạc hậu có mức phát thải cao, dẫn đến tình trạng xe cũ vẫn tiếp tục lưu hành, gây ô nhiễm nặng nề hơn. xe máy cũ nát .jpgXe máy cũ phát thải lượng lớn khí độc hại như CO, NOx, bụi mịn. Ảnh: VĐ.
Do đó, cần có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Việt Nam nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ theo quy định, đồng bộ để kiểm soát, phân loại và kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành, tiến tới tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao khả năng quản lý; đồng bộ hóa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn giữa các nhóm phương tiện (xe mới, xe nhập khẩu, xe đang sử dụng).

Từng bước hạn chế, thải bỏ các xe mô tô, xe gắn máy đã cũ nát, lạc hậu, công nghệ không đáp ứng đạt quy định về khí thải; Cải thiện chất lượng không khí theo từng giai đoạn của lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy thông qua việc giảm thiểu hạn chế khí thải phát sinh…

Hiện tại, việc kiểm soát khí thải mới chủ yếu áp dụng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, chưa có quy định đối với xe đang lưu hành. Điều này tạo ra sự thiếu đồng bộ trong quản lý khí thải, dẫn tới khó kiểm soát nguồn phát thải lớn từ hàng triệu xe cũ.