Cưỡng chế thu hồi đất không đúng quy định có thể ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Người dân cần làm gì khi bị như vậy?

Hướng dẫn khiếu nại, khởi kiện khi bị cưỡng chế thu hồi đất sai quy địnhCưỡng chế thu hồi đất không đúng quy định tại các địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Ảnh minh họa: Hữu Chánh
Khi có quyết định thu hồi đất mà người sử dụng đất không chấp hành, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Việc cưỡng chế thu hồi đất phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan về:

Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất;

Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất;

Thẩm quyền ra quyết định và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất;

Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất;

Thời gian thi hành cưỡng chế thu hồi đất.

Nếu việc cưỡng chế thu hồi đất không thực hiện theo đúng quy định pháp luật về các nội dung nêu trên – được xác định là cưỡng chế thu hồi đất trái luật.

Khi bị cưỡng chế thu hồi đất trái luật, người dân có thể khiếu nại cưỡng chế thu hồi đất.

Khoản 2 Điều 237 Luật Đất đai 2024 quy định: “Người sử dụng đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.

Theo Điều 89 Luật Đất đai 2024, UBND cấp huyện là cơ quan thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, do đó Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cưỡng chế thu hồi đất lần đầu. Quy trình khiếu nại như sau:

Bước 1. Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại

Người khiếu nại gửi đơn và các tài liệu có liên quan tới Chủ tịch UBND cấp huyện.

Bước 2. Thụ lý đơn

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết;

Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

Bước 3. Xác minh nội dung khiếu nại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:

Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;

Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Bước 4. Tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

Việc đối thoại phải được lập thành biên bản, kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Bước 5. Ra quyết định giải quyết khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại và gửi kết quả giải quyết khiếu nại trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại.

Ngoài việc khiếu nại cưỡng chế thu hồi đất, người dân còn có thể khởi kiện cưỡng chế thu hồi đất. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung 2019 thì sẽ do toà án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.