Đây là đề xuất được Bộ Nội vụ đưa ra trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) mới đây.

Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ nêu nhiều chính sách mới, trong đó có đề xuất liên quan đến tuổi nghỉ hưu của công chức. Một điểm đáng chú ý là khả năng kéo dài tuổi làm việc đối với những người có chuyên môn cao, đặc thù.

Với dự thảo luật mới, Bộ Nội vụ muốn điều chỉnh linh hoạt hơn đối với khu vực công, nhất là các vị trí chuyên gia. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tại Pháp, công chức có thể làm việc đến 70, thậm chí 75 tuổi.

Ở Nhật Bản, độ tuổi nghỉ hưu của công chức hành chính là 60, nhưng có thể kéo dài đến 65 tuổi tùy theo vị trí. Tại Thái Lan, công chức kỹ thuật có thể tiếp tục phục vụ đến 70 tuổi. Mỹ và Trung Quốc cũng có các cơ chế nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài tùy trường hợp, trong khi Úc cho phép nghỉ hưu linh hoạt từ 55 tuổi trở lên.

Từ thực tiễn trên, Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng mô hình tương tự, đặc biệt với các lĩnh vực yêu cầu chuyên môn sâu, kỹ thuật cao hoặc vai trò cố vấn, chuyên gia. Đồng thời, cũng cần tính đến phương án nghỉ hưu sớm cho những người đủ điều kiện và có nguyện vọng nghỉ trước tuổi để phục vụ mục đích cá nhân như chăm sóc gia đình hoặc chuyển hướng nghề nghiệp.

Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), tuổi nghỉ hưu

Bộ Nội vụ đề xuất kéo dài tuổi làm việc của công chức lên 70. (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường đang được điều chỉnh theo lộ trình: Nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62 vào năm 2028, còn nữ sẽ đạt mốc nghỉ hưu ở tuổi 60 vào năm 2035.

Đối với những người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao hoặc thuộc các trường hợp đặc biệt, pháp luật cho phép kéo dài thời gian làm việc thêm, nhưng không quá 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu nêu trên, trừ khi có quy định khác.