Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn là người thầy đáng kính, có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách diễn xuất của nghệ sĩ Xuân Hinh.

Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn – người thầy của 3 nghệ sĩ tên tuổi

Trong làng nghệ phía Bắc, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn (tên thật là Nguyễn Đức Thỉnh) không chỉ là một “cây đa, cây đề” của nghệ thuật sân khấu chèo mà còn là người thầy lớn của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Ba học trò thành danh nhất của ông là Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Anh, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Trượng và Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hinh. Cả ba đều được ông truyền dạy hết mọi vốn liếng về hề chèo suốt những năm tháng đi học.
Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn được khán giả ưu ái gọi “vua hề chèo” đất Bắc. Ảnh: TL
Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Trượng kể, ngày xưa trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội không dạy diễn hề chèo. Ông cùng nghệ sĩ Xuân Hinh đã tiết kiệm tiền buôn bán để “tầm sư học đạo”. Và khi được một thầy giáo chỉ dẫn, ông cùng người bạn đồng hương đã tìm đến xin Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn chỉ dạy. Sau khi trải qua một bài kiểm tra về năng khiếu hề chèo, “vua hề chèo” Mạnh Tuấn mới nhận hai nghệ sĩ làm học trò.

Nghệ sĩ Xuân Hinh từng tâm sự rằng: “Trong hề chèo, thầy Mạnh Tuấn là người dạy tôi cẩn thận nhất. Cụ chuyên diễn các vai hề chèo. Từ năm 1986, tôi đã đi diễn cùng thầy, hai thầy trò thường diễn các trích đoạn hài cổ.

Năm 1988, tôi diễn tiết mục hề chèo “Cu Sứt” trong Festival Cười gần 2 tháng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô và nhận được khen ngợi rầm rộ từ khán giả. Tiếp đó là một loạt tiết mục “Thầy bói đi chợ”, “Hề gậy theo thầy”, “Hề mồi đấu đá”… Tôi đi diễn, khán giả mê, thích lắm”.
Nghệ sĩ Xuân Hinh thừa nhận phong cách biểu diễn của ông ảnh hưởng sâu sắc từ Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn. Ảnh: TL
Theo nghệ sĩ Xuân Hinh, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn là người thầy ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách biểu diễn của ông từ đó cho đến sau này. Thời điểm đó, dù phải bỏ tiền túi để theo học, nam nghệ sĩ vẫn quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Và rồi, chính thầy Mạnh Tuấn khi đó cũng phải thừa nhận tài năng thiên bẩm của người học trò đầy nghị lực này.

“Con người ta ai cũng có cha có mẹ, có người thầy của mình trong đời. Với tôi, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn là người thầy quan trọng nhất trong sự nghiệp theo đuổi nghệ thuật của mình. Thầy Mạnh Tuấn là người truyền và dạy cho tôi những vai hề chèo từ thuở đầu tiên, để tôi biết hát, biết diễn, biết ngôn ngữ, văn hóa để bước lên sân khấu. Thầy là người tôi luôn nể trọng và cúi đầu kính cẩn”, nghệ sĩ Xuân Hinh tâm sự.

Chính “vua hề chèo” Mạnh Tuấn cũng là người đã truyền cho nghệ sĩ Xuân Hinh tình yêu với văn hóa dân gian, truyền thống để anh ý thức việc bảo tồn, lưu truyền nó. Diễn xướng lên đồng Đạo Mẫu là một trong những loại hình văn hóa dân gian mà nghệ sĩ Xuân Hinh học được từ người thầy của mình và đang lưu truyền với một tình yêu tha thiết.
Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn từng gả con gái Minh Thu cho học trò Quốc Anh. Ảnh: TL
Không chỉ Xuân Hinh và Quốc Trượng, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn còn đào tạo được một học trò xuất sắc khác là Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Anh. Không chỉ truyền dạy nghề diễn, ông còn gả con gái của mình là Minh Thu cho Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Anh.

“Tôi nổi tiếng với những vai hề, chủ yếu là quan lại phong kiến như quan huyện, lý trưởng, xã trưởng hay những gã nông dân tha hóa là nhờ bố vợ tôi” – Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn cho hay.

Nếu như Xuân Hình sinh ra để làm hề thì tôi lại hoàn toàn khác. Nhưng chính bố vợ tôi đã chỉ ra cái mũi cao khi diễn thành như mỏ diều hâu, mắt sáng long lanh híp lại thành tên đểu và cái miệng thì có thể nhành tới mang tai. Thế là tôi chuyên trị hề chèo và thành công”.

Từ cậu bé mồ côi đến “vua hề chèo” đất Bắc

Mặc dù rất thành công trong sự nghiệp nghệ thuật nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn từng trải qua những tháng ngày cực gian khó thuở ấu thơ. Ông Sinh năm 1929 tại thôn Sơn, xã Hạp Lĩnh, Tiên Du (Bắc Ninh) trong một gia đình đông con, nghèo khó. Mẹ mất khi ông chưa đầy 3 tháng tuổi. Lên 8 tuổi, ông đã phải đi ở đợ nuôi thân, lúc nào cũng nơm nớp sợ đòn roi.
Dù trải qua thời ấu thơ gian khó nhưng tình yêu nghệ thuật đã đưa Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn trở thành một “cây đa, cây đề” của làng chèo. Ảnh: TL
Mê chèo, muốn đi xem, cậu bé thường phải trốn nhà chủ, đến khuya về, không dám gọi cửa, rúc vào đống rơm mà ngủ. Nhân cơ hội toàn quốc kháng chiến, bộ đội về làng, Mạnh Tuấn xung phong làm liên lạc cho du kích địa phương. Trong quá trình làm việc, ông mạnh dạn xin đảm nhận vai trò văn nghệ, múa hát, diễn xướng và trở thành hạt nhân của đội văn công địch hậu. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm biểu diễn, từ năm 1952, ông bắt đầu làm việc ở đoàn hát.

Vì ngoại hình gầy gò, giọng hát chưa có nhiều đặc sắc nên ban đầu, ông chỉ được phân công việc bảo quản đạo cụ cho đoàn, không được giao vai kép nền, kép chính trong vở diễn. Nhưng vì đam mê nghệ thuật nên ông tự tìm tòi và học hỏi bằng mọi cách. Ông tự học đánh trống và các làn điệu chèo quê hương mình, dòng máu chèo trong ông cứ thế lớn dần và được bồi đắp.

Ngoài ra, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn cũng may mắn được các nghệ sĩ chèo nổi tiếng như: Năm Ngũ, Tư Liên dìu dắt, phát triển tài năng và đam mê. Nhờ đó, ông có cơ hội đến với sân khấu, bắt đầu từ một vai phụ trong vở Tấm Điền.

Từ vai phụ đó, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn bắt đầu được nhận thêm nhiều vai diễn khác nhau, dần dần trở thành kép chính và nổi tiếng.

Nhờ cái duyên sân khấu trời cho, sự cộng hưởng của “thanh” và “sắc” cùng việc tập luyện nghiêm túc đã giúp Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn hài hước trên sân khấu chèo.

Có những vở như Quan Âm Thị Kính, ông đảm nhận cùng lúc cả ba vai: cụ Mãng, thầy bói, sư cụ chạy đàn (trong vở Quan Âm Thị Kính).

Các vai diễn khác như: Cụ Sửu (vở Con trâu hai nhà), hề Thìn (vở Tấm Cám), anh Đường (vở Máu chúng ta đã chảy), anh Phởn (vở Đường đi đôi ngả), anh Tích (vở Vẹn cả đôi đường), hề Ngự (vở Lọ nước thần)… dần đưa tên tuổi Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn đến với công chúng.

Nhiều chuyên gia nhận định, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn thu hút người xem bởi lối diễn dí dỏm, duyên dáng, đậm chất truyền thống, thấm đẫm tính văn hóa dân gian, đượm hồn làng quê Bắc Bộ, nhưng lại rất hiện đại qua sự biểu cảm, tiết tấu, ý thức điều độ.

Có thể nói, lối diễn của Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn là điển hình của sự hòa quyện tinh tế giữa nhạc và lời, diễn và hát, múa. Mọi cử chỉ, hành động, biểu cảm và lời thoại trên sân khấu đều được ông thực hiện theo giai điệu, nhịp phách, lên xuống chừng mực, rất duyên dáng, tinh tế mà lại có hồn, giàu xúc cảm. Ông có thể kết hợp linh hoạt giữa hát và diễn, múa một cách nhịp nhàng.

Nhờ đó, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn đạt được rất nhiều thành tích như Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu, Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huy chương chiến thắng hạng Nhất. Ông cũng là một trong những thế hệ nghệ sĩ nhân dân được phong danh hiệu sớm nhất. Công chúng ưu ái gọi ông là “vua hề chèo” đất Bắc.

Ngoài sân khấu, Nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tuấn còn thành công trên màn ảnh, với nhiều vai diễn đặc sắc, ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Nổi bật nhất phải kể đến vai Thống Biệu trong phim truyền hình Đất và người.