Bạn đọc Văn Toàn (Yên Bái) hỏi: “Chế độ với cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập thế nào?”.

Chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhậpCán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập sẽ được hưởng loạt chế độ, chính sách. Ảnh: Khánh Linh
10 chức danh sẽ không còn?

Theo Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ khiến quy mô xã, phường, thị trấn lớn hơn hiện nay. Theo đó, Chính phủ dự kiến sẽ không còn duy trì các chức vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như trước.

Tuy nhiên, số lượng cụ thể các chức danh bị xóa bỏ sẽ phụ thuộc vào từng địa phương, không phải đồng loạt 10 chức danh như một số thông tin lan truyền.

Cụ thể giữ nguyên biên chế cán bộ, công chức, viên chức hiện có để bố trí cho đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp.

Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Những người này có thể được bố trí công tác ở thôn, tổ dân phố nếu phù hợp; trường hợp không thể bố trí thì thực hiện chính sách nghỉ việc.

Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tính theo phân loại xã:

Loại I: 14 người,

Loại II: 12 người,

Loại III: 10 người.

Tùy thuộc vào quỹ phụ cấp khoán cho mỗi xã, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể các chức danh phù hợp với tình hình địa phương.

Ví dụ, tại TP.HCM, theo Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND, các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã gồm 18 vị trí như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Thường trực Khối vận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên…

Trong khi đó, tại Hà Nội, theo Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND, chỉ quy định 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như Văn phòng Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chỉ huy trưởng Quân sự, Chủ tịch Hội Người cao tuổi…

Như vậy, việc sắp xếp chức danh sẽ căn cứ vào quy định cụ thể của từng tỉnh, thành phố.

Chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập

Về chế độ chính sách, theo Quyết định 759/QĐ-TTg, cán bộ, công chức, viên chức cấp xã được bố trí tiếp tục làm việc tại đơn vị hành chính mới sẽ được:

Bảo lưu tiền lương và phụ cấp chức vụ đang hưởng trong thời gian 6 tháng sau khi sắp xếp.

Sau 6 tháng, chế độ tiền lương và phụ cấp chức vụ sẽ điều chỉnh theo quy định mới, tương ứng với vị trí, chức danh mới.

Dự kiến, bình quân mỗi đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập sẽ được bố trí khoảng 32 biên chế. Con số cụ thể tại từng địa phương sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế – xã hội của từng đơn vị.

Bên cạnh đó, việc xác định số lượng, cơ cấu vị trí việc làm tại cấp xã sẽ là cơ sở để cấp có thẩm quyền giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức phù hợp cho từng địa phương.