(Dân trí) – Sau khi sinh con, tôi ở cữ tại nhà chồng. Gần một tháng nay, tôi cố gắng sống “nhẹ” hết mức, không để mẹ chồng phải phật lòng. Nhưng có lẽ, tôi thở thôi cũng là sai.

Hôm đó, mấy người bạn thân đến thăm tôi. Họ mang ít trái cây, sữa cho mẹ, vài món quà nhỏ cho em bé. Không khí rất vui, cả đám ríu rít quanh nôi, hỏi han, trêu đùa khiến tâm trạng tôi cũng vui lên một chút sau chuỗi ngày bỉm sữa đơn độc.

Trời hôm đó chưa đến mức oi bức nhưng phòng lại kín, người đông, con mới hơn một tháng nên tôi bật điều hòa cho mát, giữ không khí dễ chịu cho cả em bé lẫn khách.

Thế mà mẹ chồng từ ngoài đi vào, đứng chống nạnh ngay giữa phòng, buông một câu khiến không khí chùng xuống tức thì: “Trời này mà cũng phải bật điều hòa à? Ở nhà rảnh rỗi sinh nông nổi, không kiếm tiền nên đâu biết xót tiền điện là gì”.
Bạn đến thăm tôi đẻ, mẹ chồng nói một câu khiến họ vội vã bỏ về - 1
Bạn tôi đang cười cũng phải ngừng lại. Cả phòng im phăng phắc. Tôi như bị tạt nước lạnh vào mặt, vừa xấu hổ, vừa tức giận. Hơn một tháng sau sinh, tôi chưa kịp hồi phục, ngày nào cũng bỉm sữa, thiếu ngủ, mỏi mệt, giờ lại bị mắng là “ở nhà rảnh rỗi”.

Bà tiếp lời, vẫn cái giọng lạnh tanh: “Con trai tôi đang còng lưng đi làm nuôi mẹ con chị đấy, đừng có ở không mà tiêu xài phung phí. Bật điều hòa lên, cháu tôi ốm rồi lại tốn tiền đi viện à?”.

Bề ngoài là lo cho cháu “nằm điều hòa dễ ốm” nhưng ai cũng hiểu câu đó không nhắm vào trẻ con, mà là vào tôi.

Tôi cắn chặt môi, không đáp lại. Bạn tôi lúng túng nhìn nhau, có người cố kéo câu chuyện khác nhưng không ai còn thấy tự nhiên nữa. 10 phút sau, họ đứng dậy xin phép về sớm với lý do “để chị nghỉ ngơi”.

Tôi tiễn bạn ra cửa, lòng quặn lại, vừa xấu hổ với bạn, vừa thấy nghèn nghẹn. Vài phút sau, khi bạn vừa rời đi, mẹ chồng tôi thản nhiên bước vào phòng, cầm phong bì khách tặng cho bé, bóc ra trước mặt tôi.

Bà đếm từng tờ, rồi nói: “Đông vậy mà được có từng này à? Không đủ mua hai hộp sữa”.

Tôi không biết nên khóc hay cười. Người ta nói sau sinh, phụ nữ yếu nhất về thể chất. Nhưng với tôi, tôi yếu nhất là ở lòng tin vào gia đình chồng, vào sự chia sẻ mà tôi từng hy vọng có thể có.

Tôi không trách bạn mình ra về vội vã. Tôi hiểu trong tình huống đó, bất kỳ ai cũng cảm thấy khó xử. Nhưng có lẽ, điều khiến tôi đau nhất chính là mẹ chồng.

Bà không hiểu rằng, ở nhà trông con không có nghĩa là “ăn bám”. Tôi đã từ bỏ công việc, sự nghiệp và cả giấc ngủ ngon để chăm lo cho đứa trẻ mà bà gọi là “cháu nội”. Vậy mà trong mắt bà, tôi chỉ là kẻ thích tiêu xài, không biết xót tiền.

Trước khi sinh con, tôi cũng đi làm, thậm chí có thu nhập còn hơn chồng. Thế mà lúc nào, mẹ chồng cũng tỏ vẻ con trai mẹ nuôi tôi, nuôi cháu bà. Trước đây, mỗi lần tôi biếu tiền, bà cũng chỉ coi đó là tiền của con trai bà làm ra.

Trong mắt mẹ chồng, con trai là giỏi nhất, còn con dâu lấy được con trai có nhà to cũng là do gia đình tôi có phúc. Tôi quá mệt mỏi với tư tưởng cổ hủ của mẹ chồng. Đó là lý do chỉ sau 3 tháng kết hôn, tôi khăng khăng đòi chồng ra ngoài thuê nhà ở. Chỉ là lần này ở cữ, tôi mới về nhà chồng.

Có lẽ, cũng vì chuyện này mà bà “găm” trong lòng, không thích đứa con dâu “dụ” con trai bà ra ngoài sống. Nhưng chúng tôi ở riêng thì có gì sai khi ở nhà chồng, cả hai đều phải đi làm 16km.

Ở riêng, có điều kiện làm gần, tốt cho con trai, con dâu, vậy sao bà lại không muốn? Ở chung, mẹ chồng đâu có đỡ đần việc cơm nước. Mọi thứ đều đến tay tôi, vậy mẹ chồng đòi hỏi việc gì?

Cứ nghĩ đến chuyện mẹ chồng có thái độ như vậy khi bạn mình đến chơi, tôi không sao quên được. Bao nhiêu ngày nay, tôi khó chịu, bực bội, chán nản và nói lại với chồng.

Nhưng chồng tôi vẫn nói: “Cố gắng nhịn em ạ. Mẹ già rồi, khó tính cũng là chuyện thường. Âu cũng là mẹ mong tốt cho con, cho cháu”. Tôi chưa thấy tốt ở đâu, chỉ thấy gây hại cho mình.

Tôi dự tính, sau khi con được 3 tháng, tôi sẽ về nhà mẹ đẻ ở đến lúc đi làm. Dù chồng hay mẹ chồng có phản đối, tôi cũng chấp nhận.

Theo mọi người, dự định của tôi như thế có ổn không?